Số Hộ Chiếu Việt Nam Là Gì? Ý Nghĩa Của Số Hộ Chiếu
Với những người hay đi nước ngoài thì có lẽ đã quá quen thuộc với cuốn hộ chiếu Việt Nam (hay còn gọi là passport). Vậy thì bạn có bao giờ để ý số hộ chiếu Việt Nam là gì, có ý nghĩa như thế nào hay là nó được ghi ở đâu hay không. Nếu chưa biết thì có thể tham khảo bài chia sẻ dưới đây về các thông tin cần biết cũng như liên quan đến số hộ chiếu của mỗi công dân Việt Nam là ra sao.
Số hộ chiếu Việt Nam là gì?
Theo Khoản 3 Điều 2 của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thì hộ chiếu (passport) chính là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và thân nhân. Trên mỗi cuốn hộ chiếu của mỗi công dân sẽ có một dãy chữ số gồm 8 ký tự, được bắt đầu bằng một chữ cái in hoa trong bảng chữ cái Việt Nam (ví dụ: B), tiếp theo đó 7 chữ số tự nhiên trong hệ thống bảng chữ số. Dãy số đó chính là số hộ chiếu Việt Nam của bạn.
Số hộ chiếu có vai trò vô cùng quan trọng khi công dân Việt Nam làm thủ tục bằng hộ chiếu, nó cũng tựa như số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của bạn. Ví dụ: B71***** (bắt đầu bằng chữ B và tiếp theo là 7 chữ số ngẫu nhiên) chính là số hộ chiếu Việt Nam trong cuốn hộ chiếu.
Số hộ chiếu Việt Nam được ghi ở đâu?
Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy số hộ chiếu Việt Nam của mình trên cuốn hộ chiếu (passport). Thông thường dãy số này sẽ có ở 2 vị trí sau:
Trang thứ 1 dưới chữ hộ chiếu đối với hộ chiếu phổ thông.
Ở góc bên phải, phía trên của trang thứ 2 (trang có dán hình ảnh của người được cấp hộ chiếu) của hộ chiếu phổ thông.
Ý nghĩa của số hộ chiếu Việt Nam
Chúng ta sẽ thấy số hộ chiếu của công dân Việt Nam thường được bắt đầu bằng các chữ cái như A, B, C,…. Vậy thì nó có ý nghĩa gì trong dãy số hộ chiếu hay không, có phải trường hợp của họ thuộc vào diện nào theo quy định của pháp luật hay không. Thực tế thì những chữ số này hoàn toàn không có ý nghĩa để xác định bạn là ai, thuộc đối tượng nào. Chỉ đơn giản là khi kho số hộ chiếu đã hết chữ số bắt đầu thì sẽ thay đổi và tiếp tục bắt đầu bằng chữ số khác (hết B sẽ chuyển sang C). Như số hộ chiếu bắt đầu bằng chữ số C cũng chỉ mới được thể hiện trên hộ chiếu bắt đầu từ 2015 cho đến hiện nay.
Một số câu hỏi liên quan đến số hộ chiếu Việt Nam
Ngoài những thông tin trên thì cũng có một số câu hỏi liên quan đến số hộ chiếu Việt Nam được nhiều người quan tâm và thắc mắc, cụ thể là:
Số hộ chiếu Việt Nam khi cấp lại hộ chiếu có thay đổi không?
Đối với giấy tờ cá nhân như chứng minh thư hay thẻ căn cước công dân, một khi công dân bị mất hay đánh rơi thì khi làm thủ tục cấp mới, thẻ mới nhận được sẽ có số giống như cũ. Tuy nhiên, đối với hộ chiếu lại khác. Khi bạn làm thủ tục cấp mới hộ chiếu, số hộ chiếu sẽ được thay đổi hoàn toàn và hộ chiếu cũ với số hộ chiếu cũ sẽ không còn giá trị nữa.
Những cách tra cứu số hộ chiếu Việt Nam?
Sẽ có nhiều cách để bạn có thể tự tra cứu số hộ chiếu Việt Nam của mình, đó chính là:
– Mở cuốn hộ chiếu và tìm dãy số gồm 1 chữ cái + 7 con số
– Tra cứu bằng đường link online
– Lên trực tiếp cục quản lý xuất nhập cảnh để được hướng dẫn và tra cứu số hộ chiếu.
– Liên hệ trực tiếp với các công ty phụ trách vấn đề về hộ chiếu để được tư vấn hướng dẫn
Làm cách nào để tra cứu số hộ chiếu online?
Thông thường bạn có thể mở hộ chiếu để tra cứu được số hộ chiếu Việt Nam của mình dễ dàng. Tuy nhiên vì một lý do nào đó như bạn quên đem theo hộ chiếu hay làm mất mà lại cần thông tin của số hộ chiếu đó thì có thể thực hiện theo các bước như sau:
- Bước 1: Truy cập vào đường link của trang website: https://hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn/. Sau đó nhấp chọn vào biểu tượng có hình 2 dấu răng cưa (Chọn mục này để sửa đổi, bổ sung thông tin đã khai nếu có nhu cầu)
- Bước 2: Tiến hành nhập các thông tin cá nhân được yêu cầu như họ tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân.
- Bước 3: Nhấn vào mục tìm kiếm là sẽ hiện ra đầy đủ những thông tin liên quan về số hộ chiếu mà bạn đang cần.
Hộ chiếu có rút tiền được không?
Hộ chiếu là một loại giấy tờ hợp pháp được chính phủ quốc gia Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam với đầy đủ các thông tin liên quan của chủ sở hữu. Do đó theo quy chế về tiền gửi tiết kiệm thì pháp luật cho phép người gửi tiết kiệm xuất trình một trong 2 loại giấy tờ là chứng minh nhân dân và hộ chiếu còn hiệu lực. Vì vậy trong trường hợp cần thiết, bạn hoàn toàn có thể sử dụng hộ chiếu để rút tiền của mình.
Các thông tin trên hộ chiếu (passport) gồm có những gì?
Ngoài dãy số hộ chiếu Việt Nam thì còn nhiều thông tin cá nhân khác của bạn hiển thị trong cuốn hộ chiếu (passport), đó chính là:
– Số hộ chiếu: bắt đầu bằng chữ cái B, C,.. và tiếp sau đó là 7 số chữ số ngẫu nhiên.
– Số chứng minh thư/thẻ căn cước công dân.
– Tấm ảnh chân dung 4x6cm, họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính.
– Nơi cấp: Cục quản lý xuất nhập cảnh ( tên tiếng Anh: Immigration Department)
– Thời hạn của hộ chiếu (passport): tùy thuộc vào từng loại mà sẽ có thời hạn khác nhau 5 năm hoặc 10 năm.
– Các trang trống để xác nhận thị thực: thị thực được dán và đóng dấu xuất nhập cảnh.
– Tên và thông tin của trẻ em ghép chung vào hộ chiếu (nếu có)
Các loại hộ chiếu thông hành của nước Việt Nam gồm những loại nào?
Hiện nay thì ở nước Việt Nam ta có 3 loại hộ chiếu phổ biến, chúng ta có thể phân biệt dựa trên màu sắc bìa bên ngoài của từng loại hộ chiếu. Còn như số hộ chiếu bên trong cũng là một dãy số ngẫu nhiên, không có ký hiệu cụ thể để phân biệt.
– Hộ chiếu phổ thông (tên tiếng anh là Popular Passport): là loại hộ chiếu phổ biến nhất và được cấp cho tất cả những người dân có nhu cầu để ra nước ngoài với điều kiện họ có đầy đủ quyền công dân. Cuốn hộ chiếu này được dùng để xuất cảnh ra nước ngoài và nhập cảnh vào các cửa khẩu quốc tế của các quốc gia trên thế giới. Bạn có thể dùng để đi du lịch, thăm thân, du học hoặc xuất cảnh định cư cũng sử dụng loại hộ chiếu này.
– Hộ Chiếu Công Vụ (tên tiếng anh là Official Passport): là loại hộ chiếu ít phổ biến và chỉ được cấp cho các cơ quan chính phủ phải ra các quốc gia nước ngoài để giải quyết công vụ quốc gia. Giá trị của hộ chiếu công vụ là 5 năm và có quyền đi tới bất cứ quốc gia nào và được ưu tiên khi thực hiện thủ tục nhập cảnh cũng như miễn visa.
– Hộ Chiếu Ngoại Giao (tên tiếng anh là Diplomatic Passport): là loại hộ chiếu ít phổ biến và được cấp cho các quan chức ngoại giao của chính phủ nước ta để đi nước ngoài công tác với thời hạn của hộ chiếu là 5 năm từ ngày cấp. Các quyền lợi được hưởng về ưu tiên qua cổng và được miễn visa cũng tương tự như hộ chiếu công vụ.
Trên đây là giải đáp về các thông tin liên quan đến số hộ chiếu Việt Nam. Hy vọng có thể giúp bạn bổ sung thêm cho bản thân những kiến thức quan trọng, cần thiết về hộ chiếu (passport) – một loại giấy tờ luôn cần sử dụng trong các chuyến đi nước ngoài. Bạn nên lưu ý những vấn đề này để hạn chế gặp các trường hợp ảnh hưởng đến việc xuất – nhập cảnh của mình.